Định giá tài sản trong tố tụng hình sự là hoạt động có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng hình sự. Việc xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm, thiệt hại là căn cứ trong việc xác định hành vi có phạm tội hay không, cũng như việc áp dụng đúng khung hình phạt, mức hình phạt.
Trước khi Nghị định số 30/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (gọi chung là Nghị định số 26/2005/NĐ-CP). Đánh giá chung cho thấy từ khi ban hành đến nay, Nghị định số 26/2005/NĐ-CP được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thực tế ở tất cả các địa phương trong cả nước và đã đạt được những kết quả nhất định, như xây dựng môi trường pháp lý quy định về việc thành lập, quyền, nghĩa vụ và trình tự, thủ tục định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp, các cá nhân thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện công vụ; đảm bảo xác định giá trị của tài sản trong tố tụng hình sự phù hợp với giá thị trường, góp phần cùng cơ quan tố tụng xét xử các vụ án đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xử lý vụ án hình sự…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 26/2005/NĐ-CP cũng phát sinh một số hạn chế, vướng mắc. Đặc biệt, Sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, trong đó giao Chính phủ quy định việc định giá đối với hàng cấm, cần thiết phải ban hành Nghị định về trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong đó phải bao gồm các nội dung quy định về định giá đối với các tài sản là hàng cấm.
Chính vì vậy, ngày 07/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự có hiệu lực từ ngày 01/5/2018 (thay thế cho Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
So với các quy định trước đây, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Thông tư số 43/2018/TT-BTC có nhiều điểm mới đáng lưu ý.
Về nguyên tắc định giá tài sản
Nghị định số 30/2018/NĐ-CP kế thừa quy định tại Nghị định 26/2005/NĐ-CP về nguyên tắc định giá tài sản, đồng thời sửa đổi để bảo đảm thống nhất với các căn cứ định giá quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP như sau: “1. Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá” và “2.Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.”
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Nghị định mới kế thừa Điều 3 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, đồng thời bổ sung trách nhiệm cử người đúng thời hạn bằng văn bản của cơ quan, tổ chức cử người tham gia Hội đồng định giá tài sản; và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác là cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; tạo điều kiện để Hội đồng định giá thực hiện việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá, phục vụ cho việc định giá của Hội đồng theo quy định.
Về thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá về thành lập Hội đồng định giá tài sản tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP kế thừa quy định thành lập Hội đồng định giá tài sản ở 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định về việc thành lập Hội đồng định giá dưới hai hình thức theo vụ việc và thường xuyên để bảo đảm rõ ràng, thống nhất giữa hai hình thức thành lập này, đồng thời đáp ứng kịp thời yêu cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự khi có trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng. Theo đó:
– Ở cấp huyện, cấp tỉnh: Được thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá, định giá lại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
– Ở cấp Trung ương: Không thành lập Hội đồng định giá thường xuyên; chỉ thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Nghị định.
Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản.
Ngoài ra, đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp Hội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc.
Về hoạt động của Hội đồng định giá tài sản
Để tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định riêng 01 điều về nội dung này, trong đó quy định: Hội đồng định giá hoạt động theo cơ chế tập thể. Cơ quan của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc Chủ tịch Hội đồng phải đóng dấu vào các văn bản của Hội đồng và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng.
Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định và các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. Hội đồng định giá chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng hoặc khi có Quyết định của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng về việc chấm dứt hoạt động của Hội đồng.
Về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản và thành viên Hội đồng định giá tài sản
Bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP và bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ của người định giá tài sản theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP cũng bổ sung thêm các quyền cơ bản để tạo thuận lợi cho hoạt động định giá tài sản, như:
– Đối với Hội đồng định giá: Bổ sung quyền thuê hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuê tổ chức giám định để thực hiện giám định tình trạng kinh tế-kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản; doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản. Qua thực tiễn thi hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP cho thấy việc thuê các tổ chức giám định và các doanh nghiệp thẩm định giá khi tiến hành định giá tài sản trong tố tụng hình sự là cần thiết nhằm cung cấp thêm căn cứ định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản. Do yêu cầu thuê tổ chức giám định, doanh nghiệp thẩm định giá phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của tài sản được trưng cầu, phụ thuộc vào số lượng, thành phần, mức độ hiểu biết về tài sản cần định giá của thành viên Hội đồng định giá. Vì vậy, Nghị định mới không quy định “cứng” về các tiêu chí, trường hợp, điều kiện thuê tổ chức giám định, doanh nghiệp thẩm định giá bởi điều này có thể gây khó khăn, chậm trễ trong việc định giá của Hội đồng, dẫn đến việc chậm trễ trong giải quyết vụ án. Yêu cầu về sự cần thiết phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá nên để cho Hội đồng quyết định.
Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quyền của Hội đồng định giá được bảo đảm về tài chính đầy đủ, kịp thời để tiến hành định giá tài sản theo quy định của pháp luật căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
– Đối với thành viên Hội đồng định giá: Tương tự như trên, Nghị định bổ sung quyền của thành viên Hội đồng được hưởng chế độ bồi dưỡng vật chất khi tham gia định giá và chuyển nội dung từ chối tham gia Hội đồng định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản thành quyền của thành viên Hội đồng (thay vì nghĩa vụ như Nghị định số 26/2005/NĐ-CP).
Về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản
Căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP liên quan đến nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản, Nghị định quy định 01 điều về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản; trong đó nổi bật có quyền: “Chỉ đạo chung hoạt động của Hội đồng; điều hành và phân công nhiệm vụ cho Thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng; quy định nhiệm vụ cho Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có) theo các quy định tại Nghị định này; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao” và có nghĩa vụ “Thay mặt Hội đồng hoặc ủy quyền cho thành viên Hội đồng giải thích để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản và những tình tiết cần thiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng yêu cầu định giá tài sản.”
Về trình tự, thủ tục định giá tài sản
Đây là nội dung trọng tâm của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP với các điểm mới nổi bật như sau:
Về căn cứ định giá tài sản
Nghị định số 30/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể các căn cứ định giá đối với 02 trường hợp tài sản không phải là hàng cấm và tài sản là hàng cấm và yêu cầu việc định giá phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ này.
Cụ thể, đối với tài sản không phải là hàng cấm, kế thừa các căn cứ quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, đồng thời bổ sung trường hợp một số tài sản cần phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị của tài sản; Nghị định quy định các căn cứ định giá đối với hàng hóa này gồm: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
Đối với tài sản là hàng cấm, Nghị định quy định thứ tự ưu tiên của các căn cứ định giá lần lượt gồm: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có); Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin; Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này; Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.
Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc định giá tài sản là phù hợp với giá thị trường của tải sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá, Nghị định quy định các mức giá từ các nguồn thông tin phải được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
Về khảo sát tài sản cần định giá; khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá
Kế thừa quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức cho Hội đồng định giá tài sản khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá.
Tuy nhiên, đối với việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá, để tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng, đặc biệt trong trường hợp các tài sản cần định giá có số lượng lớn, phân tán ở nhiều tỉnh, thành phố, Nghị định mới cho phép Hội đồng được giao Tổ giúp việc thực hiện công việc trên; đồng thời mở rộng các hình thức khảo sát giá, thu thập thông tin bao gồm các trường hợp sau: Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự; Nghiên cứu giá tài sản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định đã được áp dụng tại địa phương; Tham khảo giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp, giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, các nguồn thông tin khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Về phương pháp định giá tài sản
Đây là nội dung mới lần đầu tiên được quy định trong Nghị định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc về phương pháp định giá tài sản tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, để thống nhất cách tiếp cận và phương pháp định giá giữa các thành viên của Hội đồng định giá, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định: Căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Hội đồng định giá thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá.
Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về cách thức định giá đối với một số trường hợp cụ thể, như tài sản chưa qua sử dụng; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu; tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu; tài sản là hàng giả; và tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử.
Chẳn hạn, đối với tài sản chưa qua sử dụng, Nghị định hướng dẫn Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo giá của tài sản cùng loại còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản cùng loại). Đối với tài sản đã qua sử dụng, Hội đồng định giá xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản.
Đối với tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, Hội đồng định giá xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ. Đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử, Hội đồng định giá xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản…
Về phiên họp định giá tài sản
Để khắc phục tình trạng quy định “cứng” phiên họp định giá tài sản chỉ được tổ chức với đầy đủ thành viên Hội đồng định giá tài sản tại Nghị định 26/2005/NĐ-CP, dẫn đến khó thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu, tính cần thiết, cấp bách để xử lý các vụ án; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tài sản trở lên tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá tài sản chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên.
Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của các cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản, và bảo đảm quyền của thành viên Hội đồng là đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, đối với các thành viên vắng mặt tại phiên họp định giá tài sản, Nghị định mới yêu cầu trước khi tiến hành phiên họp định giá tài sản, những thành viên vắng mặt này phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá.
Về định giá lại tài sản
Để quy định cụ thể các trường hợp định giá lại tại Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng yêu cầu định giá lại như thực tiễn thi hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chỉ 02 trường hợp định giá lại, gồm:
Định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi có quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận trên;
Định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau: Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại được áp dụng cùng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá; cùng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá; và Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.
Về Hội đồng định giá tài sản thực hiện việc định giá lại, định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu do Hội đồng định giá tài sản cấp trên thực hiện. Đối với định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, để tránh trường hợp các vụ án hình sự bị “đẩy” lên Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương khi có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản, Nghị định mới quy định định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản cùng cấp với Hội đồng định giá tài sản được thành lập để định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu thực hiện.
Ngoài ra, các trường hợp định giá lại tài sản không bao gồm các trường hợp sau: Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá; hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản; Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối với các trường hợp này, việc định giá được thực hiện như định giá lần đầu.
Về định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt
Căn cứ theo Điều 220 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định 01 Điều về định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt trên, cụ thể: Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt do Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương thực hiện theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá chung quy định tại Nghị định và các pháp luật liên quan.
Về chi phí định giá, định giá lại tài sản
Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định 01 điều về chi phí định giá, định giá lại tài sản theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể:
– Chi phí định giá, định giá lại tài sản được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Hàng năm, căn cứ thực tế chi phí định giá, định giá lại tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập dự toán kinh phí thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để thực hiện việc chi trả.
– Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở hồ sơ đề nghị tạm ứng kinh phí, hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản của Hội đồng định giá, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạm ứng kinh phí, thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản cho Hội đồng định giá.
Thủ tục tạm ứng và thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản thực hiện theo các quy định của pháp luật về chi phí giám định, định giá trong tố tụng.
Hồng Liên- Phòng CSTH- Cục Quản lý giá
Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0909399961 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn
Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961Email: [email protected].
Website: //thamdinh.com.vn
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học