Thẩm Định Dự Án

Liên Hệ : 0909.399.961

Archives Tháng 2 2023

“Cảnh báo” những sai sót trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

_________________

Số: 85 /2021/CV- HTĐGVN

V/v: “Cảnh báo” những sai sót trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

__________________

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi: Các hội viên Hội Thẩm định giá Việt Nam

Theo thông tin Hội Thẩm định giá Việt Nam có được trong thời gian khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2021, cơ quan pháp luật đã khởi tố và có thể sẽ đưa ra xét xử vụ án với cáo trạng “Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại địa bàn của một địa phương. Trong danh sách những người bị khởi tố có một số thẩm định viên về giá thuộc doanh nghiệp thẩm định giá bị cơ quan pháp luật buộc tội có những sai sót trong quá trình thực hiện quy trình thẩm định giá, dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá khi tư vấn cho khách hàng thẩm định giá phục vụ đấu thầu, đấu giá mua sắm tài sản Nhà nước.

Đây là những thông tin Hội Thẩm định giá Việt Nam thấy cần thiết phải truyền tải đến các hội viên để cùng rút ra những bài học kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá bảo đảm tuân thủ pháp luật về giá và thẩm định giá; Cụ thể:

Thẩm định viên bị cơ quan pháp luật xác định là không thực hiện đúng quy trình “Khảo sát thực tế, thu thập thông tin”. Sở dĩ như vậy là vì: Thẩm định viên chỉ tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến tài sản có sẵn đã được các tổ chức, cá nhân công bố công khai bằng những hình thức thích hợp trên báo chí, internet… (Thông tin thứ cấp) mà thiếu kiểm chứng thực tế; đặc biệt là thẩm định viên không trực tiếp (và không có nhân viên nào trong doanh nghiệp) tiến hành thu thập thông tin liên quan đến tài sản chưa có sẵn, chưa được tổ chức, cá nhân nào công bố (Thông tin sơ cấp) thông qua việc khảo sát thực tế tại hiện trường, lập các phiếu điều tra biên bản kết quả khảo sát thực tế về loại tài sản, hình dáng, kích thước, vị trí, thực tế sử dụng, mục đích sử dụng, công suất, mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, tuổi thọ tài sản… như Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 5 quy định, dẫn đến việc xác định mức giá tài sản không phù hợp với giá thị trường.

Qua vụ việc trên, Hội thẩm định giá Việt Nam nhận thấy: Mặc dù Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các quy định có liên quan đã có quy định cụ thể về “Khảo sát, thu thập thông tin thực tế”; Hội Thẩm định giá Việt Nam đã nhắc nhở nhiều lần qua văn bản qua các lớp cập nhật kiến thức; Cục Quản lý giá cũng đã nhiều lần tập huấn nhưng để xảy ra những sai sót trên chính là do các thẩm định viên về giá chưa có trách nhiệm trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá. Nhằm tránh xảy ra, lặp lại các sai phạm tương tự, Hội đề nghị các đơn vị cần tổ chức cho các thẩm định viên trong đơn vị mình cùng nghiên cứu rút kinh nghiệm; đồng thời thường xuyên tự nghiên cứu để hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật và tuân thủ pháp luật khi hành nghề, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá.

Nơi nhận:

Như trên

– Các thành viên BCH Hội.

– Các Ban: Ban Pháp chế, Ban Kiểm tra, Ban Nghiên cứu và chuyển giao khoa học TĐG.

– Cục Quản lý giá (BTC)

– Đăng website.

– Lưu VP

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Tiến Thỏa

Thẩm Định Giá Dự Toán Dự Án Cho Mục Đích Vay Vốn: Có Cần Thiết?

Với những dự án cần vay vốn từ Ngân hàng nhưng chưa được triển khai thì muốn thế chấp dự án đó thì cần xây dựng dự toán chi phí cho dự án đó; đồng thời sau khi dự toán, chủ đầu tư cũng cần thẩm định giá dự toán đó để có cơ sở pháp lý hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo các quy định của Ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Thẩm định giá dự toán dự án là gì?

Thẩm định giá dự toán dự án là việc kiểm tra và xác định lại toàn bộ chi phí cần thiết để hoàn thành dự án đó. Chi phí đó phù hợp với giá trị thực tế của thị trường vào thời điểm thẩm định giá, phù hợp với những thiết kế kỹ thuật, yêu cầu của dự án.

Đối với dự toán của mỗi loại dự án (dự án công trình xây dựng, dự án mua sắm thiết bị máy móc, dự án đầu tư…) thì việc thẩm định giá dự toán đó lại được thực hiện khác nhau, nhưng nhìn chung gồm 4 vấn đề:

  • Kiểm tra sự đầy đủ, phù hợp của các căn cứ pháp lý để xác định chi phí dự toán của dự án;
  • Kiểm tra sự phù hợp của khối lượng, đầu mục, số lượng, chủng loại trong dự toán xem có khớp với thông tin, yêu cầu ban đầu của dự án đó.
  • Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng định mức, chi phí thực hiện từ lúc bắt đầu đến lúc hoàn thành dự án theo các giá trị thực tế của thị trường thời điểm lấp dự toán.
  • Xác định giá trị sau khi dự toán. Đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán dự án đang được thẩm định.

Tại sao cần thẩm định giá dự toán dự án để vay vốn ngân hàng.

Trước hết, ta cần khẳng định rằng việc thẩm định giá dự toán dự án là rất cần thiết và tuân theo những quy định của Nhà nước cũng như các quy định của Ngân hàng hiện nay.

Khi chủ đầu tư cần vay vốn ngân hàng để đầu tư cho dự án thì thông thường sẽ thế chấp dự án đó với Ngân hàng để có cơ sở được duyệt vay. Khi đó chủ đầu tư cần xây dựng dự toán cho dự án đó, đồng thời cần một đơn vị thẩm định giá độc lập có năng lực pháp lý để xác định lại giá trị dự toán đã lập.

Sau đó ngân hàng sẽ dựa trên chứng thư và báo cáo thẩm định dự toán dự án cùng với các thủ tục pháp lý khác của dự án để xem xét khả năng vay của chủ đầu tư đó.

Vì vậy có thể hiểu phần việc thẩm định giá dự toán dự án là một yêu cầu cần thiết cho cả Ngân hàng và chủ đầu tư vay vốn, đồng thời đó là quy định của hầu hết các Ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện nay.

Thẩm định giá trị gói thầu

Dự toán chi phí gói thầu là một yêu cầu cần thiết trong quá trình chào thầu các dự án theo quy định pháp luật. Thẩm định giá dự toán gói thầu là xác định tính chính xác trong giá trị của các danh mục được liệt kê trong dự toán cũng như tổng giá trị dự toán đó.

Thẩm định giá khác thẩm tra dự toán như nào?

Thẩm định giá dự toán là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo có trong danh mục đấu thầu theo quy định của luật giá.

Thẩm tra dự toán là kiểm tra và xác định dự toán do bên tư vấn thiết kế lập xem đã phù hợp với quy định hiện hành và mặt bằng giá cả, chế độ chính sách của Nhà nước ở thời thẩm tra hay chưa

Như vậy xét về khía cạnh chuyên môn nghiệp vụ thì Thẩm định giá tập trung vào giá trị quy đổi ra tiền của các tài sản, dịch vụ theo các mục đích nhất định. Còn thẩm tra là tập trung vào tính đúng đắn của việc lập danh mục, dự toán đó có đúng với các quy định hiện hành.

Nội dung thẩm định giá dự toán gói thầu

  • Kiểm tra giá tiền, số lượng, chủng loại các thiết bị, đầu danh mục trong dự toán có phù hợp với giá cả thị trường ở thời điểm thẩm định giá.
  • Kiểm tra tính pháp lý, đúng đắn của dự toán có phù hợp với quyết định đấu thầu của cơ quan mời thầu.
  • Xác định giá trị dự toán gói thầu sau thẩm định để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán của gói thầu đó.

Chi phí thẩm định giá dự toán gói thầu

Chi phí thuê thẩm định giá hay còn gọi là phí thẩm định giá là khoản tiền mà đơn vị muốn thẩm định giá trả cho các công ty/tổ chức (có chức năng thẩm định giá)đứng ra tiến hành thẩm định giá. Phí thẩm định giá có 2 cách để tính:

  • Một là tính theo phần trăm (%) của tổng giá trị dự toán gói thầu cộng với chi phí phát sinh như: công tác phí…
  • Hai là theo giá trọn gói thỏa thuận giữa hai bên

Để được báo giá tốt nhất, liên hệ: 0909.399.961

Hồ sơ thẩm định giá dự toán gói thầu

  • Công văn, phiếu yêu cầu thẩm định giá dự toán
  • Dự toán, danh mục thiết bị cần thẩm định giá
  • Quyêt định đấu thầu, mời thầu (nếu có)

Thẩm định giá là gì, mục đích của việc thẩm định giá

Thẩm định giá là một trong những nội dung tư vấn tài chính quan trọng trong nền kinh tế thị trường ngày nay. Tuy nhiên, thẩm định giá được định nghĩa khái niệm như thế nào, điều kiện để các công ty, doanh nghiệp hành nghề thẩm định giá và quy trình thủ tục thẩm định giá cụ thể diễn ra theo thứ tự vẫn còn chưa được đề cập nhiều. Chính vì vậy, bài viết dưới đây thông tin đến quý bạn đọc quy định pháp luật về thẩm định giá như sau.

Thẩm định giá là gì, mục đích của việc thẩm định giá

Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

Mục đích của việc thẩm định giá:

  • Xác định giá trị của tài sản để chuyển giao quyền sở hữu: ví dụ về việc xác định giá bán; thiết lập cơ sở giao dịch tài sản…
  • Xác định giá trị của tài sản để phục vụ mục đích – tín dụng như hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản, xác định giá trị hợp đồng bảo hiểm tài sản,
  • Xác định giá trị tài sản để phát triển đầu tư
  • Xác định giá trị của tài sản trong doanh nghiệp nhằm: lập báo cáo thống kê, xác định giá trị doanh nghiệp,…
  • Xác định giá trị tài sản nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý như: tìm giá trị tính thuế hàng năm; xác định giá trị bồi khi Nhà nước thu hồi tài sản,…

Cơ sở pháp lý: Khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012

Các phương pháp thẩm định giá

  • Phương pháp so sánh
  • Phương pháp chi phí
  • Phương pháp vốn hóa trực tiếp
  • Phương pháp dòng tiền chiết khấu…

Cơ sở pháp lý: Điều 4 Mục I tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam giá số 08; điểm c.2 khoản c Điều 9, khoản 4 Mục I tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam giá số 09, Cách tiếp cận từ chi phí ban hành kèm theo Thông tư 126/2015/TT-BTC ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09, 10.

Điều kiện doanh nghiệp hành nghề kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó phải có thành viên là chủ sở hữu;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 39 Luật giá 2012

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên góp vốn;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;
  • Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 39 Luật giá 2012

Doanh nghiệp tư nhân

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó có 01 thẩm định viên là chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 39 Luật giá 2012

Công ty hợp danh

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên hợp danh;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp

Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 39 Luật giá 2012

Công ty cổ phần

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 cổ đông sáng lập;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty cổ phần phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;
  • Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp

Cơ sở pháp lý: Khoản 5 Điều 39 Luật giá 2012

Quy trình thủ tục thực hiện thẩm định giá tài sản

  1. Bước 1: xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở để tiến hành thẩm định giá
  2. Bước 2: lập kế hoạch thẩm định giá
  3. Bước 3: khảo sát thực tế, thu thập thông tin
  4. Bước 4: phân tích thông tin đã thu thập được
  5. Bước 5: xác định giá trị tài sản thẩm định giá
  6. Bước 6: lập báo cáo kết quả, chứng thư thẩm định giá và gửi cho các bên có liên quan

Cơ sở pháp lý: điểm 1 Mục II Nội dung tiêu chuẩn theo (Ký hiệu: TĐGVN 05) Thông tư 28/2015/TT-BTC ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06, 07.

Như vậy, có thể thấy thẩm định giá có một ý nghĩa, mục đích quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay. Việc hiểu rõ các quy định pháp luật về điều thành lập hành nghề thẩm định giá, quy trình thủ tục thẩm định và các phương pháp thẩm định giá sẽ là lợi thế rất lớn đối với các cá nhân, tổ chức đang quan tâm đến nó. Trong trường hợp khi tìm hiểu vấn đề thẩm định giá.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá là gì? Có lẽ đây là câu hỏi băn khoăn của khá nhiều doanh nghiệp. Sau đây, Lawkey xin giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây:

Giải thích từ ngữ

Thẩm định giá là gì?

Theo Khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012 quy định thẩm định giá như sau:

“Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”

Doanh nghiệp thẩm định giá là gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

Theo Điều 42 Luật giá 2012 quy định cụ thể như sau:

Quyền của doanh nghiệp thẩm định giá

a) Cung cấp dịch vụ thẩm định giá;

b) Nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng;

c) Thành lập chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá;

d) Đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở nước ngoài;

đ) Tham gia tổ chức nghề nghiệp trong nước và ngoài nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

e) Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá;

g) Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá đối với yêu cầu của khách hàng;

h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và Luật doanh nghiệp;

b) Cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết;

c) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá;

d) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp;

đ) Bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật do vi phạm những thoả thuận trong hợp đồng thẩm định giá và trong trường hợp kết quả thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;

e) Quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý;

g) Thực hiện chế độ báo cáo;

h) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết “Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá” của thamdinhduan.com gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc, băn khoăn bạn đọc hãy gọi ngay cho thamdinhduan.com để được tư vấn trước tiếp!

Tản mạn nghề thẩm định giá

Mình nhớ cách đây ít năm, khi bắt đầu có Uber, các hãng taxi truyền thống tin rằng đó là một ứng dụng vô lý và không thể sống sót tại thị trường Việt Nam (dù Uber đã thành công ở nhiều quốc gia). Lý do khiến họ tin như vậy là vì ở Việt Nam chưa có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh và không có thói quen gọi xe qua ứng dụng. Sau đó ít lâu, Grab bắt đầu vào thị trường, cạnh tranh trực tiếp với Uber. Grab tung ra hàng loạt những ưu đãi khủng để thu hút người dùng, cả lái xe và người gọi xe. Các bạn trẻ thích ứng nhanh hơn với các nền tảng công nghệ. Các thông điệp về việc “đi chung” để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Grab dần chiếm được cảm tình của những trí thức thành thị. Thói quen gọi xe qua ứng dụng bắt đầu hình thành. Uber không thể cạnh tranh được trước các chiến lược tấn công của đối thủ và Uber buộc phải rời khỏi thị trường Việt Nam.
Còn đối với các hãng vận tải truyền thống thì sao? Ngày qua ngày, sự chuyển biến không có nhiều nên họ không nhìn ra và không có sự chuẩn bị. Nhưng sau một thời gian, khi đa số người dùng lựa chọn Grab, họ nhận ra họ đã bị tổn thất quá nhiều. Họ liên tục thành lập các liên minh, họ cũng kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt”, nhưng sự thật là người tiêu dùng đã không lựa chọn các hình thức truyền thống. Hồi đó mình nhớ là các bác xe ôm truyền thống và taxi phải đứng ở hầu hết các bến xe khách và bến xe buýt. Họ sẵn sàng tấn công những tài xế công nghệ vì nghĩ công nghệ đã cướp đi khách hàng của họ.
Cho đến bây giờ, thực tế như thế nào, có lẽ chúng ta đều cảm nhận được. Grab đã thành công và chiếm hầu hết thị phần tại Việt Nam. Các hãng taxi truyền thống hoặc phải cải tiến công nghệ (như taxi Mai Linh tự làm ứng dụng gọi xe riêng) hoặc phải trở thành đối tác của Grab. Tệ hơn là phá sản.

Câu chuyện Grab làm mình liên tưởng đến hầu hết các hoạt động kinh doanh trong cuộc sống thường ngày. Khi công nghệ ngày càng phát triển và thế giới phẳng hơn, những doanh nghiệp không chịu thay đổi để thích ứng chắc chắn sẽ bị đào thải.

Các công ty thẩm định giá cung cấp dịch vụ tư vấn, càng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra ở khắp các ngành nghề. Khi mình vào thăm “ngôi nhà” của các công ty, mình nhận ra có quá ít doanh nghiệp thẩm định giá thay đổi đúng nghĩa. Nếu không tin mình, bạn thử vào website của công ty bạn làm việc. Bạn nghĩ “ngôi nhà” mà công ty bạn có, liệu có thu hút được khách hàng hay không?
Bạn có thể cho rằng Big4 là mảnh đất màu mỡ. Cứ vào được danh sách là không lo gì cả. Bạn cũng tự nhủ là bây giờ làm gì có ai xem website. Nhưng bạn có tin là sự thay đổi sẽ đến nhanh đến mức bạn không ngờ đến? Nhân viên ngân hàng (những khách hàng chính của bạn) sẽ bị sa thải rất nhiều trong thời gian tới. Theo như mình biết thì Techcombank đã có kế hoạch sa thải hàng ngàn nhân sự trong năm 2023.

Mình không có ý phê phán gì ở đây, mong muốn của mình là ngành thẩm định giá sẽ ngày càng phát triển, văn minh và chuyên nghiệp hơn. Bởi đây là công việc mình rất yêu thích. Bạn bè, anh em, gia đình mình đều có rất nhiều người làm việc trong ngành. Nếu chúng ta cứ giữ cách làm cũ, không chịu cùng nhau tốt lên, không nâng cao trình độ, không chịu chia sẻ, không trân trọng người tài, không ứng dụng công nghệ, không làm việc vì những mục tiêu dài hạn hơn thì sớm muộn gì những điều không mong đợi cũng sẽ đến.

Khi có quá nhiều người rời đi, có quá nhiều những câu chuyện buồn của ngành, là lúc chúng ta càng cần sự đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau. Mình thích những lựa chọn cùng nhau tốt lên. Giúp ai đó tốt hơn hay chia sẻ được kiến thức hay cùng những người đồng nghiệp là điều mình thấy rất tuyệt vời. Cho đi càng nhiều, ta càng nhận lại được nhiều hơn. Càng chia sẻ, ta càng có cơ hội để học hỏi. Không có gì phải giấu nghề ở đây cả. Kiến thức và biển học là vô biên.
Mình mong các chuyên gia trong cộng đồng sẽ luôn hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ để nghề thẩm định ngày càng phát triển. Nếu các bạn trẻ ở group có nhu cầu cần được sự chia sẻ về nội dung hay kiến thức nào, mình sẽ cố gắng hết sức để có thể cung cấp hoặc kết nối giúp các bạn. Các bạn cứ phản hồi cho mình biết những trăn trở nhé!