Làm rõ một số nội dung trong tiêu chuẩn thẩm định giá liên quan đến mua sắm tài sản công

Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện hành có một số điểm còn chưa phù hợp dẫn đến việc các cơ quan hiểu sai nội dung Tiêu chuẩn và thực tiễn thẩm định giá tại Việt Nam. VVI trân trọng giới thiệu công văn của Hội TĐG Việt Nam trả lời thắc mắc về các nội dung liên quan đến khái niệm giao dịch, khảo sát và thu thập thông tin, giá niêm yết trên internet.

 1.Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (TCTĐGVN) số 8: Thông tin của tài sản so sánh về “Giao dịch của tài sản so sánh được lựa chọn phải diễn ra tại hoặc gần thời gian thẩm định giá nhưng không quá 2 năm tính đến thời điểm TĐG”. Phải chăng chỉ có thông tin “Giao dịch” thành công mới được áp dụng về thời gian thu thập thông tin không quá 2 năm tính đến thời điểm thẩm định giá?

Về vấn đề này, Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận thấy:

Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 8 khi quy định về “Giao dịch” (điểm c, Khoản 4, Mục II) thì Tiêu chuẩn không nêu khái niệm có bao gồm giao dịch thành công và giao dịch chưa thành công. Tuy nhiên, trong nội dung Tiêu chuẩn đã đề cập rất rõ: Thẩm định viên về giá được phép ưu tiên thu thập thông tin về các giao dịch thành công trên thị trường (Điểm a, Khoản 4, Mục II) và thu thập thông tin các giao dịch chưa thành công của tài sản so sánh để xác định giá của tài sản cần thẩm định giá (Điểm b, Khoản 4, Mục II).

Như vậy theo Tiêu chuẩn “Giao dịch” là một khái niệm chung, bao gồm cả giao dịch thành công và giao dịch chưa thành công và đều được áp dụng theo Điểm c, Khoản 4, Mục II, TCTĐGVN số 8: “Giao dịch của tài sản so sánh được lựa chọn phải diễn ra tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 2 năm tính đến thời điểm thẩm định giá”.

  1. Việc khảo sát thực tế trên internet có phải là một hình thức của khảo sát thực tế hay không? Tính pháp lý của thông tin thu thập từ internet?

Vấn đề này, Hội Thẩm định giá Việt Nam có ý kiến như sau.

i) Việc khảo sát thực tế trên internet có phải là một hình thức của khảo sát thực tế hay không?

Theo quy định của Luật Giá: “Khảo sát thực tế, thu thập thông tin” là một trong 6 bước của quy trình thẩm định giá tài sản; được cụ thể hóa tại Khoản 4, Mục II, TCTĐGVN số 5 và số 8.

Theo quy định của các văn bản này thì đây là hai công việc trong cùng một bước công việc của quy trình và cùng mục đích là thu thập thông tin, nhưng lại được tiến hành theo hai phương pháp khác nhau với các kỹ năng thu thập thông tin khác nhau, cụ thể:

  • Khảo sát thực tế là một quá trình thẩm định viên phải tiếp cận trực tiếp với tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh để thu thập, ghi chép các thông tin, dữ liệu thực tế về tài sản (thông tin sơ cấp – là những thông tin chưa có sẵn, chưa có tổ chức, cá nhân nào công bố chính thức) để bổ sung, kiểm chứng, so sánh, đối chiếu, chỉnh lý thông tin thu thập được từ nguồn thông tin thứ cấp và rút ra những thông tin khách quan, tin cậy. Vì vậy nên tại Khoản 4, Mục II TCTĐGVN mới quy định “Thẩm định viên phải trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát, ký biên bản khảo sát hiện trạng tài sản và thu thập số liệu về thông số của tài sản TĐG và các tài sản so sánh (Nếu sử dụng các tài sản so sánh). Chụp ảnh theo dạng toàn cảnh và chi tiết”.
  • Thu thập thông tin: Thông tin trên internet, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hồ sơ tài liệu, văn bản, cơ sở dữ liệu, sách, báo, tạp chí… liên quan đến tài sản – là loại thông tin thứ cấp – tức thông tin đã có sẵn được các tổ chức, cá nhân công bố công khai thì thẩm định viên áp dụng “phương pháp nghiên cứu tại bàn” và thực hiện kỹ thuật thu thập thông tin thông qua biện pháp đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu được lựa chọn phục vụ cho thẩm định giá tài sản. Hình thức thu thập thông tin theo “phương pháp nghiên cứu tại bàn” này không phải trực tiếp tiếp cận với tài sản như nêu trên.

ii) Tính pháp lý của thông tin thu thập từ internet

Chính sách của Nhà nước về internet là “Thúc đẩy việc sử dụng internet trong mọi hoạt động kinh tế xã hội”. “Dịch vụ truy cập Internet là một loại hình dịch vụ cung cấp cho người sử dụng internet, khả năng truy cập đến Internet (Khoản 1, Điều 4; điểm a, Khoản 12, Điều 13, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng). Người sử dụng internet có quyền “Được sử dụng các dịch vụ internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật” (Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).

Để phục vụ việc thẩm định giá, thẩm định viên được quyền khai thác toàn bộ các thông tin trên mạng internet, trong đó có các thông tin có tính pháp lý đó là toàn bộ các thông tin đã được kiểm chứng tính đúng đắn theo quy định của pháp luật về kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, thị trường, tài chính, ngân hàng, giá cả… do các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp… công bố trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử… Đồng thời được khai thác sử dụng các thông tin có tính pháp lý từ các “Thông điệp dữ liệu” của các tổ chức, cá nhân được phép giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử, nếu các tổ chức, cá nhân này có liên quan đến thẩm định giá tài sản đồng ý cung cấp cho các thẩm định viên. “Thông điệp dữ liệu” ấy có giá trị pháp lý như văn bản. Sở dĩ như vậy vì Bộ Luật Dân sự quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” (Khoản 1, Điều 119). “Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận, lưu giữ bằng phương tiện điện tử” (Khoản 12, Điều 14, Luật Giao dịch điện tử; Khoản 5, Điều 3, Mục I, Luật Thương mại).

Các thông tin có nguồn gốc, xuất xứ khác được các tổ chức, cá nhân công bố công khai trên internet liên quan đến tài sản thẩm định giá mà thẩm định viên cần thu thập (trừ các thông tin bị cấm theo quy định của pháp luật) được Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 5, số 8, xác định là những chứng cứ thị trường, thẩm định viên được phép thu thập để sử dụng cho mục đích thẩm định giá tài sản. Tuy nhiên, thông tin trên internet khá phong phú, đa dạng, hữu ích nhưng cũng có những trường hợp, có những nội dung chưa được kiểm chứng đầy đủ nên độ tin cậy có thể bị hạn chế. Khắc phục hạn chế này Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đã quy định để thông tin có giá trị sử dụng trong thẩm định giá tài sản, bảo đảm tính pháp lý của Chứng thư thẩm định giá theo quy định của Luật Giá thì: “Thẩm định viên có trách nhiệm kiểm chứng thông tin để bảo đảm độ tin cậy, chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin, áp dụng cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá” (Khoản 4, Mục II, TCTĐGVN số 5). “Đối với các thông tin về giá tài sản đã giao dịch thành công trên thị trường thu thập thông qua phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng, sàn giao dịch bất động sản, trên mạng internet… thì thẩm định viên phải có sự thẩm định, xem xét, đánh giá và kiểm chứng thận trọng bảo đảm những thông tin đó có thể sử dụng được trước khi sử dụng vào phân tích, tính toán” (Điểm a, Khoản 4, Mục II, TCTĐGVN số 08).

  1. Thông tin giá niêm yết trên Website, báo giá của nhà cung cấp có phải là chứng cứ thị trường cần thu thập để tiến hành thẩm định giá tài sản không ?

– Niêm yết giá, theo quy định của Luật giá “là việc tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thông báo công khai bằng hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa bằng đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Khoản 6, Điều 4).

Cũng theo quy định của Luật Giá về niêm yết giá: “ a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết; b) Đối với hàng hóa dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức sản xuất, kinh doanh quy định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết” (Khoản 5, Điều 12, Luật Giá).

– Báo giá: Hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật hướng dẫn thế nào là một báo giá hợp lý, hợp lệ, nhưng theo thông lệ của thị trường thì: Báo giá là một thông điệp chứa đựng các thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ của tổ chức sản xuất kinh doanh cung cấp cho khách hàng theo yêu cầu của khách hàng (có tính chất chào giá) bằng những hình thức thích hợp giúp khách hàng hiểu biết chi tiết về hàng hóa, dịch vụ (loại hàng hóa, dịch vụ, mẫu mã, chất lượng, giá cả…) từ đó mà có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp.

Như vậy, bản chất của niêm yết giá và báo giá là không giống nhau; nhưng hai loại thông tin từ nguồn nói trên đều là chứng cứ thị trường, doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá có quyền khai thác phục vụ TĐG.

  • Nguồn: Tổng hợp

Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0909399961 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn

Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961Email: [email protected].
Website: //thamdinh.com.vn

Dịch Vụ của chúng tôi:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học