Thẩm Định Dự Án

Liên Hệ : 0909.399.961

Archives Tháng 1 2024

Vụ xóa nợ gần 185 tỷ đồng tại Cienco1 – Vai trò của thẩm định tài chính

Vụ xóa nợ gần 185 tỷ đồng tại Cienco1 – Vai trò của thẩm định tài chính

Ngày 6/4, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án sai phạm cổ phần hóa tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các bị cáo hầu tòa gồm ông Cấn Hồng Lai (SN 1955, cựu Tổng giám đốc); Phạm Dũng (SN 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên); Lê Văn Long – cựu Kế toán trưởng, Nguyễn Mạnh Tiến – cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Nguyễn Thị Bích Hạnh – cựu Phó phòng tài chính kế toán;

Nguyễn Ngọc Tuyến- cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C (nay là Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO), Nguyễn Anh Tuấn – thẩm định viên.

Tại tòa, luật sư Đặng Xuân Cường có văn bản kiến nghị triệu tập giám đốc Công ty kiểm toán A&C, Trưởng phòng Công ty kiểm toán A&C, đại diện Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, do có một số luật sư vắng mặt, để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Đối với yêu cầu triệu tập thêm người liên quan, tòa án sẽ xem xét sau.

Theo cáo trạng, Cienco1 thuộc Bộ Giao thông Vận tải, vốn điều lệ 220 tỷ đồng. Đến năm 2014, Cienco1 chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 35% vốn. Ngày 18/12/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Quá trình cổ phần hóa, cơ quan điều tra xác định các bị cáo xảy ra sai phạm khiến Nhà nước thất thoát hơn 230 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, tại ngày 31/12/2012, Cienco1 đã trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi của 50 công ty với số tiền hơn 306 tỷ đồng. Trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 13 ngày, Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải rà soát các khoản nợ phải thu khó đòi.

Theo Điều 15 Nghị định Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Điều 5 và Điều 9 Thông tư 202/2011/TT-BTC; Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC, các khoản nợ phải thu có đủ điều kiện để xử lý xóa nợ khi các công ty nợ tiền đã bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.

Sau khi xử lý các khoản nợ phải thu có đủ điều kiện xóa nợ và có văn bản công bố giá trị doanh nghiệp, Cienco1 phải bàn giao các khoản nợ này cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam – DATC.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, các thành viên thống nhất đề xuất xử lý nợ của 50 công ty với số tiền hơn 184,9 tỷ đồng bằng nguồn dự phòng. Sau khi lấy ý kiến, ngày 20/6/2013, ông Phạm Dũng đã ký quyết định chấp thuận xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi với giá trị 184,9 tỷ đồng, được hạch toán tại tài khoản ngoại bảng.

Nhằm che giấu việc xử lý nợ trái pháp luật, các bị cáo hạch toán giảm số dư trên Tài khoản số 331 (Phải thu khách hàng), đồng thời giảm số dư trên Tài khoản 229 (Trích dự phòng nợ khó đòi) mà không theo dõi, hạch toán khoản công nợ trên tài khoản ngoại bảng theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC.

Quá trình cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định lựa chọn Công ty Kiểm toán A&C tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Cienco1 1.

Công ty kiểm toán phân công Nguyễn Ngọc Tuyến, kiểm toán viên cao cấp làm Trưởng nhóm thẩm định tài chính. Tuyến chịu trách nhiệm kiểm kê tài sản, thu thập tài liệu sổ sách kế toán, tổng hợp đánh giá. Còn Nguyễn Anh Tuấn, thẩm định viên chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm kê, rà soát xác định giá đối với đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc; chịu trách nhiệm soát xét chất lượng, nội dung và ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp….

Cienco1 đã cung cấp tài liệu gồm Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, danh sách các khoản công nợ, Báo cáo tài chính đã kiểm toán các năm….

Trên cơ sở các tài liệu, ngày 24/9/2013, Tuyến đã xây dựng dự thảo Báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó các khoản nợ phải thu là hơn 184,9 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện, Tuyến biết số liệu công nợ phải thu do Cienco1 cung cấp là không đúng nhưng Tuyến vẫn thống nhất với Nguyễn Thị Bích Hạnh lập dự thảo biên bản xác định giá trị doanh nghiệp, mà không chờ kết quản kiểm toán Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 do Công ty Kiểm toán và Tư vấn IFC thực hiện.

Theo quy định, Tuấn phải kiểm tra, xoát sét các nội dung liên quan nhưng Tuấn vẫn đồng ý và thống nhất việc Cienco 1 điều chỉnh số liệu để bỏ khoản nợ 184,9 tỷ đồng ra ngoài giá trị doanh nghiệp.

Đến ngày 1/10/2013, trên cơ sở dự thảo biên bản của thẩm định giá, Cienco1 đã họp thẩm tra hồ sơ. Do ông Dũng, Lai và Tiến đã thống nhất xử lý nợ trái pháp luật nên không cung cấp đầy đủ tài liệu để Ban chỉ đạo cổ phần hóa xem xét, đánh giá. Các thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã đồng ý thông qua xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo biên bản xác định giá trị doanh nghiệp, tại thời điểm 30/6/2013, giá trị thực tế của Cienco1 là hơn 3.136 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 478 tỷ đồng. Cienco1 không có các khoản nợ phải thu gần 185 tỷ đồng. Cho đến nay, Ciecon không bàn giao khoản nợ này cho DATC, không báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Đến khi chuyển thành công ty cổ phần, Cienco1 đã tiến hành thu hồi nợ với 6 công ty. Đến nay, Cienco1 đã thu hồi hơn 65,2 tỷ đồng và sử dụng chi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty không bàn giao, chuyển khoản tiền này cho nhà nước theo quy định. Cơ quan điều tra xác định nhà nước bị thiệt hại gần 185 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo đã không tính giá trị 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa gồm khu đất 422m2 ở quận Bình Thạnh – TPHCM; khu đất 916,4m2 tại TP Tân An, tỉnh Long An; khu đất 16.706m2 tại huyện Châu Thành, Tiền Giang; khu đất 852m2 ở TP Pleiku, Gia Lai. Hành vi này khiến nhà nước thiệt hại hơn 67,4 tỷ đồng.

Quá trình điều tra còn xác định một số cá nhân liên quan như thành viên Hội đồng quản trị Cienco1, thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Công ty kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội… có hành vi vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý và Đảng và chính quyền.

Luật Giá 2023: Doanh nghiệp thẩm định giá phải lưu ý 3 điều kiện, tránh bị tước giấy phép

Luật Giá 2023: Doanh nghiệp thẩm định giá phải lưu ý 3 điều kiện, tránh bị tước giấy phép

Sau thời hạn 12 tháng khi Luật Giá năm 2023 có hiệu lực, doanh nghiệp thẩm định giá không tuân thủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định, sẽ bị Bộ Tài chính thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được điều chỉnh trong Luật Giá năm 2023.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được điều chỉnh trong Luật Giá năm 2023.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa gửi thông báo đến doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá hành nghề chủ động rà soát, bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tại Luật Giá 2023.

Luật Giá số 16/2023/QH15 (Luật Giá năm 2023) được Quốc hội thông qua ngày 19/6 vừa qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 bao gồm 8 chương, 75 điều; trong đó, chương 6 quy định về hoạt động thẩm định giá.

Cục Quản lý giá cho biết tại Luật Giá năm 2023, liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có một số điểm mới nổi bật.

Một là,tăng số lượng thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp từ ít nhất 3 lên ít nhất 5 thẩm định viên về giá.

Hai là,đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bổ sung điều kiện tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Ba là,tăng số lượng thẩm định viên tại chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá từ ít nhất 2 lên ít nhất 3 thẩm định viên về giá.

Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 được chuyển tiếp đến ngày 1/7/2025 phải đáp ứng được điều kiện trên.

“Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá”.

(Cục Quản lý, Bộ Tài chính)

Cũng theo Cục Quản lý giá, khi Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2024), điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá cũng có sự thay đổi.

Theo đó, người đăng ký hành nghề phải có tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá với trình độ đại học trở lên từ đủ 36 tháng.

Trường hợp làm việc với trình độ đại học trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá theo chương trình định hướng ứng dụng theo quy định của pháp luật thì tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ đủ 24 tháng.

Do đó, để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất, Bộ Tài chính yêu cầu thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá chủ động nghiên cứu toàn diện các quy định tại Luật Giá năm 2023.

Từ đó, rà soát tình hình thực tế của doanh nghiệp về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và điều kiện đăng ký hành nghề của thẩm định viên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Giá năm 2023.

Bộ Tài chính thông báo để thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện.

Cũng theo Bộ Tài chính, do lĩnh vực thẩm định giá liên tục có những thay đổi, nhất là hệ thống pháp luật đang được sửa đổi và hoàn thiện nên Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp và các thẩm định viên cần chủ động cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật và kiến thức chuyên môn.

Đồng thời, các thẩm định viên cần tham gia đầy đủ, nghiêm túc các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do các đơn vị được phép cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2023 tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cũng như đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hành nghề cho năm hành nghề tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn yêu cầu các doanh nghiệp chủ động, tăng cường cung cấp dịch vụ thẩm định giá đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng thẩm định giá và quy định của pháp luật.